Thiểu năng tuần hoàn máu não là bệnh gì?

Thiểu năng tuần hoàn não hay còn gọi là thiếu máu não nhất thời, rối loạn tuần hoàn não thường xảy ra khi lượng máu, oxy và các chất dinh dưỡng tới nuôi dưỡng các tế bào máu là bị thiếu. Từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến mạch máu, hệ thống tuần hoàn, tổn thương tế bào não, hệ thần kinh trung ương và sau cùng là toàn bộ các cơ quan trong cơ thể.

Đây là khái niệm được đề xuất vào năm 1990 của các nhà khoa học Nhật Bản, mô tả tình trạng giảm lưu lượng máu làm rối loạn chức năng não. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính, tuy nhiên hay gặp nhất ở người trung niên và người cao tuổi, người làm việc căng thẳng thường xuyên hoặc bị các bệnh lý liên quan khác như tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao,…

Dấu hiệu thiểu năng tuần hoàn não ở người già rất khó nhận biết

Thiểu năng tuần hoàn máu não là bệnh cấp tính hay bệnh mạn tính?

Thiểu năng tuần hoàn máu não gồm 2 dạng là: cấp tính và mạn tính.

- Thiểu năng tuần hoàn não cấp tính có các dấu hiệu như: đau đầu, chóng mặt, tê bì tay chân, đột quỵ (tai biến mạch máu não), cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua.

+ Trong đó: đau đầu và chóng mặt chiếm tỉ lệ cao nhất và cũng là những triệu chứng xuất hiện sớm nhất. Đau đầu có tính chất lan tỏa, ê ẩm, nặng đầu, kèm theo ù tai, chóng mặt, hoa mắt, mất thăng bằng. Chóng mặt có thể kèm nôn, buồn nôn,... Bệnh thiểu năng tuần hoàn não cấp tính ở người cao tuổi có thể chỉ thoáng qua trong vài giây, vài phút, nhưng cũng có thể kéo dài vài ngày. Các triệu chứng cấp tính như đau đầu, chóng mặt có thể được khắc phục hoàn toàn khi lưu lượng máu được cải thiện. 

+ Đối với trường hợp thiểu năng tuần hoàn máu não cấp tính gây đột quỵ: Triệu chứng diễn tiến rất nhanh và để lại hậu quả nặng nề nếu không cấp cứu kịp thời trong khoảng thời gian 24h - 48h đầu. Các dấu hiệu như: đau đầu dữ dội, hôn mê, nôn và buồn nôn, liệt chi, méo tiếng, mất tiếng, xuất huyết não (ở các vị trí đặc biệt như chảy máu não thất, chảy máu tiểu não), nhồi máu não... người bệnh rất dễ tử vong.

- Thiểu năng tuần hoàn não mạn tính là tình trạng giảm lưu lượng máu não kéo dài, thường do các bệnh lý mạn tính đi kèm gây nên, thường xảy ra ở người cao tuổi. Dấu hiệu gồm các cơn nhức đầu ê ẩm từng đợt, chóng quên, rối loạn tâm lý như cáu giận, buồn vui lẫn lộn, mất ngủ kéo dài, rối loạn giấc ngủ,... Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra suy giảm nhận thức, mất trí nhớ, đột quỵ.

Hiện nay, thiểu năng tuần hoàn não cấp tính được phân loại và điều trị theo tổn thương thực thể, còn thiểu năng tuần hoàn não mạn tính được gọi chung là thiểu năng tuần hoàn não.

Nguyên nhân gây thiểu năng tuần hoàn não ở người lớn tuổi

Các nguyên nhân gây nên bệnh thiểu năng tuần hoàn não là do: Bệnh về hệ tim mạch như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tăng cholesterol, triglycerit máu (gọi chung là tăng mỡ máu), hẹp lòng động mạch do bẩm sinh hay do chèn ép (u não, xơ vữa động mạch não...), thoái hoá các đốt sống cổ gây chèn ép hệ thống động mạch thân nền hoặc do cục máu trong lòng động mạch đi đến làm tắc nghẽn động mạch não (bệnh loét sùi van tim)… 

  • Xơ vữa động mạch: Đây là nguyên nhân chính gây ra rối loạn tuần hoàn não. Điều này xảy ra khi chỉ số cholesterol trong máu ở mức cao, khiến cholesterol tích tụ thành một mảng bám dày trên thành mạch, làm hẹp mạch máu tới não, dẫn đến giảm tưới máu não. Động mạch não bị thu hẹp có thể dẫn đến thiếu máu não cục bộ.
  • Tăng huyết áp: Áp lực máu tác động lên thành mạch ở mức cao trong thời gian dài sẽ làm mạch máu bị suy yếu, dễ hình thành mảng xơ vữa hoặc các cục máu đông gây tắc nghẽn lưu thông máu lên não.
  • Mạch máu bị đè nén: Mạch máu bị đè nén do ngoại lực tác động hoặc khi có khối u có thể cản trở động mạch mang máu đến não.
  • Nhịp nhanh thất: Đây là một biểu hiện của tình trạng rối loạn nhịp tim. Khi tim đập quá nhanh và không kịp bơm đầy máu sẽ dẫn đến sự gián đoạn dòng chảy của oxy gây rối loạn tuần hoàn máu não, thậm chí đột tử do nhồi máu cơ tim, đột quỵ,…
  • Bệnh hồng cầu hình liềm: Ở người bình thường, hồng cầu sẽ có hình bầu dục và có thể di chuyển một cách linh hoạt. Tuy nhiên, do di truyền, hồng cầu ở một số người có thể có dạng hình liềm. Hình dạng bất thường này khiến chúng khó di chuyển, gây tích tụ trong máu dễ tạo cục máu đông khiến máu không vận chuyển được oxy lên não và các mô đầy đủ, từ đó dẫn đến thiếu máu não.
  • Đau tim: Do huyết áp quá thấp dẫn đến tình trạng thiếu oxy ở các mô có thể làm chậm lưu thông máu và làm đông máu, cản trở sự lưu thông của máu đến não và các cơ quan khác.
  • Dị tật tim bẩm sinh: Do sự liên kết động mạch chưa hoàn chỉnh dẫn đến thiếu máu.
  • Thoái hóa đốt sống cổ: Đây là một nguyên nhân gây rối loạn tuần hoàn não hay gặp ở người lớn tuổi. Bệnh gây chèn ép lên hệ thống mạch máu, các rễ thần kinh đi qua vùng cổ và ảnh hưởng đến lưu lượng máu lưu thông lên não.

Ngoài ra, người ta còn thấy có một số yếu tố như tuổi cao, tiểu đường, béo phì, nghiện thuốc lá, nghiện bia rượu, stress kéo dài, chế độ ăn uống không khoa học, ít vận động, thể dục thể thao cũng góp phần đáng kể vào việc hình thành bệnh thiểu năng tuần hoàn não.

Thiểu năng tuần hoàn não ở người cao tuổi có triệu chứng gì?

Tùy vào vị trí mạch máu bị tắc nghẽn và tác động của nó tại các vị trí khác nhau sẽ gây ra các triệu chứng bệnh khác nhau. Tuy nhiên, khi bị rối loạn tuần hoàn não, bạn sẽ thường gặp các triệu chứng phổ biến dưới đây:

  • Đau đầu: Đây là triệu chứng xuất hiện sớm nhất và thường gặp nhất khi bị rối loạn tuần hoàn não, chiếm khoảng 90% người bệnh. Cơn đau có tính chất lan tỏa, co thắt hoặc khu trú ở vùng chẩm gáy, trán.

  • Chóng mặt: Người bệnh có cảm giác loạng choạng khi đi hoặc đứng. Một số người có thể cảm thấy xây xẩm, hoa mắt, tối sầm mặt lại, mất thăng bằng, đặc biệt là khi thay đổi tư thế đột ngột.

  • Tê bì: Cảm giác không thật, tê bì ở đầu ngón tay, ngón chân, tay chân, có cảm giác kiến bò,…

  • Rối loạn giấc ngủ: Bị mất ngủ, ngủ không sâu giấc, suy giảm chất lượng giấc ngủ.

  • Rối loạn về sự chú ý: Giảm sự chú ý, hay đãng trí hoặc chỉ chú ý đến một việc mà không còn phù hợp với hoàn cảnh lúc đó.

  • Rối loạn về cảm xúc: Dễ cáu giận, tủi thân, xúc động, không kiềm chế được.

  • Rối loạn trí nhớ: Suy giảm trí nhớ, chóng quên.

  • Triệu chứng khác: Ù tai, giảm thính lực một bên hay cả hai bên thoáng qua, hội chứng tiền đình, buồn nôn và nôn…

Ngoài các dấu hiệu của bệnh rối loạn tuần hoàn não ở trên, bệnh nhân cần được cấp cứu ngay lập tức khi thấy một trong các triệu chứng sau:

- Đau đầu dữ dội.

- Rối loạn thị giác, mất thị lực, nhìn mờ, nhìn đôi.

- Yếu, tê mặt, tay hoặc chân.

- Hoa mắt, chóng mặt, mất thăng bằng đột ngột, có thể té ngã và bất tỉnh.

- Khó nói, nói không rõ chữ, nói ngọng bất thường.

Như vậy có thể thấy, các triệu chứng của thiểu năng tuần hoàn não rất dễ bị nhầm lẫn với căng thẳng, mệt mỏi, stress xảy ra trong cuộc sống hàng ngày và dễ bị bỏ qua. Nếu có các dấu hiệu trên xảy ra thường xuyên, bạn cần đặc biệt lưu ý để kịp thời đến bệnh viện thăm khám, điều trị.

Tiêu chuẩn chẩn đoán thiểu năng tuần hoàn não

Các tiêu chuẩn chẩn đoán thiểu năng tuần hoàn não bao gồm:

- Bệnh nhân trên 45 tuổi.

- Triệu chứng rối loạn tuần hoàn não mạn tính, kéo dài trên 2 tháng.

- Có tồn tại các yếu tố liên quan đến xơ vữa động mạch não.

- Chẩn đoán hình ảnh và siêu âm xác định có hẹp hoặc tắc động mạch, nhồi máu và thoái hóa myelin.

Phương pháp điều trị thiểu năng tuần hoàn máu não

Phương pháp điều trị bệnh chủ yếu dựa trên nguyên nhân, tìm được nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp điều trị bệnh triệt để và đề phòng bệnh tiến triển nhanh. Nguyên lý cơ bản trong quá trình điều trị bệnh là phải kiểm soát được các yếu tố nguy cơ (như cục máu đông, huyết áp cao, xơ vữa động mạch, tiểu đường, mỡ máu,...) và cải thiện lưu lượng máu lên não. Các biện pháp thường được sử dụng trong điều trị thiểu năng tuần hoàn máu não hiện nay, phổ biến như:

- Thuốc ngăn ngừa kết tập tiểu cầu và thuốc chống đông máu: chẳng hạn như aspirin, heparin hoặc clopidogrel.
- Thuốc giãn mạch: phổ biến nhất là các thuốc chẹn kênh calci, như flunarizine và nimodipine.
- Thuốc y học cổ truyền: Hiện nay, bài thuốc hiệu quả và lâu đời nhất là bài thuốc nghìn năm tuổi Tứ vật thang (có trong thuốc Hoạt huyết thông mạch P/H, có gia giảm một số vị thuốc quý), có tác dụng làm giãn mạch máu, giảm sức cản thành mạch, ức chế ngưng tập tiểu cầu và chống hình thành huyết khối, từ đó cải thiện tình trạng vi tuần hoàn, làm tăng lượng máu nuôi dưỡng các cơ quan tim, đặc biệt là tim và não, phòng chống tích cực tình trạng thiểu năng tuần hoàn não, tuần hoàn vành và tuần hoàn ngoại vi.

- Phẫu thuật: Dùng khi mức độ hẹp của động mạch lên tới 70%, lúc này các bác sĩ phải cắt bỏ nội mạch động mạch cảnh hoặc đặt Stent.

- Phương pháp điều trị không dùng thuốc: Điều hòa thiếu máu cục bộ từ xa (RIC). Đây là phương pháp không xâm lấn, quy trình liên quan đến việc lặp lại, tạm thời ngừng lưu lượng máu đến một chi, nhằm kích hoạt sinh lý bảo vệ tự nhiên của cơ thể, chống lại tổn thương tái tưới máu và tổn thương mô do nồng độ oxy thấp. Tuy nhiên, đây là một phương pháp khá mới và chưa được sử dụng rộng rãi trong lâm sàng.

BS. Thế Hiển