Chứng chóng mặt có thể chỉ là dấu hiệu không nguy hiểm nhưng cũng có thể là cảnh báo của các bệnh lý nguy hiểm.

Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra chứng chóng mặt và một số phương pháp đề phòng chứng chóng mặt ở người cao tuổi.

Nguyên nhân gây ra chứng chóng mặt ở người cao tuổi

Có nhiều nguyên nhân gây chóng mặt ở người cao tuổi. Một số nguyên nhân thường gặp bao gồm:

  • Chóng mặt do tai (Chiếm tỷ lệ cao trong các nguyên nhân gây ra chóng mặt ở người cao tuổi)

+ Ống tai ngoài: kích thích ống tai ngoài gây chóng mặt hoặc nhọt ống tai cũng gây đau tai và chóng mặt

+ Chóng mặt do các vấn đề tai giữa: viêm tai giữa cấp tính, bên cạnh sốt, đau tai, ù tai, nghe kém, chóng mặt.

+ Tai trong viêm: viêm tai trong tiết dịch gây chóng mặt kèm theo ù tai, nghe kém. Có khi viêm tai kèm với viêm màng não, viêm thần kinh tiền đình do virus hoặc vi khuẩn gây chóng mặt, quay cuồng, chóng mặt tư thế rõ nhưng thính lực lại bình thường.

  • Chóng mặt còn liên quan đến bệnh lý thần kinh, mất thăng bằng, stress và các bệnh huyết áp, mạch máu, nội tiết, dị ứng, chuyển hóa: rối loạn lipid máu, các viêm nhiễm…

Trong các nguyên nhân gây ra cơn chóng mặt thì chóng mặt do tăng huyết áp là nguy hiểm nhất và là nguyên nhân của nhiều tai nạn ở người cao tuổi.

Ngoài ra, chứng chóng mặt ở người cao tuổi có thể là do hạ huyết áp tư thế, thiểu năng tuần hoàn não, thoái hóa cột sống cổ, xơ hóa mạch máu não, hạ đường huyết, thiếu oxy não, rối loạn thần kinh tim.

Các bệnh khác như rối loạn về mắt: rối loạn vận động các cơ của nhãn cầu, glocom, đục thủy tinh thể, u dây thần kinh tiền đình, áp-xe não; nhiễm độc các thuốc: điều trị tăng huyết áp, thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị sốt rét, nhóm thuốc aminozid, streptomycin, kanamycin... cũng có thể gây ra chóng mặt ở người cao tuổi.

Chóng mặt nếu kèm theo các triệu chứng khác như buồn nôn, suy giảm trí nhớ... thì có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm

Điều trị chứng chóng mặt ở người cao tuổi như thế nào?

Nếu chứng chóng mặt thường xuyên kéo dài kèm theo các triệu chứng khác như buồn nôn, hoa mắt, đau đầu , mất ngủ.... thì người bệnh nên đi thăm khám sớm để điều trị phù hợp.

Khi chẩn đoán được nguyên nhân gây ra chóng mặt thì bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị triệu chứng và nguyên nhân gây ra chóng mặt. Tuy nhiên trong một số trường hợp ta tiến hành điều trị triệu chứng trước trong thời gian tìm ra nguyên nhân. Trong khi điều trị triệu chứng chóng mặt ở người cao tuổi, cần khám tỉ mỉ, nhiều khi phải phối hợp với các chuyên khoa như nội, thần kinh, mắt, tai mũi họng và các thăm dò cận lâm sàng khác để chẩn đoán chính xác.

Thông thường khi điều trị triệu chứng nếu chưa xác định được nguyên nhân thì bác sĩ có thể chỉ định 3 nhóm thuốc cơ bản như:

+ Nhóm thuốc kháng Histamin như Meclizine hydrochloride (Antivert), Diphenhydramin Hydroclorid, Promethazine (Phenergan), Cinarizin, Betahistine (Betaserc).

+ Nhóm Thuốc kháng cholinergic: Dimenhydrinate (Dramamine); Amitriptyline (Elavil) là các thuốc vừa có tác dụng kháng cholinergic, vừa có tác dụng kháng histamin.

+ Nhóm thuốc chống nôn: metoclopramide, meclizine , prometazine.

+ Nhóm thuốc an thần: seduxen , diazepam, Lorazepam (Ativan).

Bác sĩ kê đơn thuốc điều trị chóng mặt dựa trên tình trạng bệnh:

+ Thuốc chẹn Ca: Flunarizine, cinarizin , verapamil .

+ Thuốc lợi tiểu: Acetazolamide có thể được cân nhắc điều trị trong bệnh Meniere.

+ Thuốc Corticoid: Được sử dụng trong viêm dây thần kinh số VIII và bệnh Meniere.

+ Acetyl-leucine: tên biệt dược là Tanganil, có tác dụng điều trị cơn chóng mặt cấp, tuy nhiên cơ chế tác dụng chưa rõ ràng.

+ Ginko Giloba và Piracetam: Là 2 thuốc có hiệu quả trong điều trị cả chóng mặt ngoại biên và trung ương. Giloba có tác dụng tăng cường tưới máu não và hệ tiền đình ngoại biên, trong khi Piracetam tác động lên nhân tiền đình và nhân vận nhãn ở thân não.

Ngoài ra người bệnh cũng có thể được chỉ định phẫu thuật trong các trường hợp bị chóng mặt bởi u dây thần kinh số VIII, u não, u góc cầu tiểu não hoặc cơn chóng mặt kịch phát lành tính không đáp ứng với thuốc nội khoa...

Lời khuyên thầy thuốc

Chóng mặt ngoại biên chiếm khoảng 80 % các trường hợp.  Chóng mặt trung ương chiếm 20 % và thường liên quan tới bệnh lý tổn thương thân não, hoặc tiểu não.

Điều quan trọng là phải xác định được nguyên nhân chóng mặt. Nếu nguyên nhân chóng mặt của bệnh nhân là sự rối loạn tức thời về chuyển động của mắt hoặc sự rối loạn của hệ thống tiền đình ngoại biên thì việc nằm nghỉ ngơi hoặc ăn uống đầy đủ sẽ giúp cải thiện tình trạng này. Nhưng nếu nguyên nhân là những bệnh lý của hệ thần kinh trung ương có tính chất nguy hiểm thì chúng ta phải đi khám và điều trị sớm, càng sớm càng tốt.

Để phòng ngừa chóng mặt do hệ thống tiền đình ngoại biên, việc luyện tập thích nghi cho hệ thống giữ thăng bằng của cơ thể khi bệnh nhân ở giai đoạn ổn định hay chóng mặt nhẹ. Người cao tuổi bị chóng mặt không nên uống rượu, bia; đeo khẩu trang khi tiếp xúc với môi trường có thán khí của xe, máy, khói...; khám và điều trị tích cực các tai mũi họng, nhiễm khuẩn...

Tổng đài bác sĩ tư vấn (miễn cước) 1800 5454 35 / zalo 0916 561 338