Những vấn đề sức khỏe liên quan đến não thường có mức độ nguy hiểm cao đối với sức khỏe và tính mạng người bệnh.  Rối loạn tuần hoàn não là bệnh lý thường gặp gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống cũng như dễ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm. Nguyên nhân nào gây ra rối loạn tuần hoàn não? Làm gì để có thể phòng và điều trị sớm bệnh lý này? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

Rối loạn tuần hoàn não là gì?

Máu có vai trò quan trọng trong cơ thể, giúp duy trì hô hấp, vận chuyển dinh dưỡng, đào thải, điều hòa hoạt động của các cơ quan, nhất là cơ quan thần kinh trung ương. Máu lưu thông tốt là điều kiện tiên quyết để các cơ quan được nuôi dưỡng và hoạt động tốt, nhất là não bộ.

Nói về tuần hoàn não là nói về quá trình lưu thông của máu trong não, máu lưu thông tốt sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cho chức năng não được khỏe mạnh. Những nguyên nhân làm cho máu lên não kém đều gây rối loạn tuần hoàn não. Như vậy, rối loạn tuần hoàn não là tình trạng các chức năng của não bị rối loạn do lượng máu lưu thông đến não không đủ. Rối loạn tuần hoàn não có thể xảy ra nhất thời (thoáng qua), sau đó hồi phục và có thể lặp đi lặp lại nhiều lần nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm.

Rối loạn tuần hoàn não còn được gọi với tên khác là thiểu năng tuần hoàn não.

Nguyên nhân chính dẫn tới rối loạn tuần hoàn não

Lưu thông máu lên não kém có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một trong những nguyên nhân thường gặp như:

  • Xơ vữa động mạch: tỷ lệ cao những bệnh nhân bị rối loạn tuần hoàn não xuất phát từ nguyên nhân này. Khi thành mạch có nhiều mảng xơ vữa hình thành sẽ làm giảm lưu lượng máu và giảm sự lưu thông máu đến nuôi dưỡng tổ chức não, từ đó gây nên tình trạng rối loạn tuần hoàn não.

  • Do rối loạn tuần hoàn chung: Các bệnh lý như huyết áp thấp, huyết áp cao, bệnh tim mạch (suy tim, hẹp van tim…), dị tật bẩm sinh động mạch (gấp khúc), viêm tắc mạch cũng là nguyên nhân gây ra rối loạn tuần hoàn não.
  • Nguyên nhân ngoài động mạch đốt sống: Mỏ gai xương, hư xương sụn đốt sống cổ, viêm khớp cột sống cổ, hẹp lỗ mỏm ngang, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ,…cũng có thể gây ra rối loạn tuần hoàn não.

Ngoài các nguyên nhân về bệnh lý trên, rối loạn tuần hoàn não còn có thể xuất phát từ những thói quen sống không lành mạnh như: lạm dụng các chất kích thích (rượu bia, thuốc lá); chế độ ăn uống nhiều chất béo và dầu mỡ, ít chất xơ; lười tập thể dục thể thao.....

Dấu hiệu nhận biết sớm rối loạn tuần hoàn não

Rối loạn tuần hoàn não có thể phân loại thành cấp tính và mạn tính. Các dấu hiệu của các đợt rối loạn tuần hoàn cấp tính bao gồm:

  • Đau đầu: Đây là dấu hiệu phổ biến và sớm của rối loạn tuần hoàn não. Tính chất cơn đau đầu do rối loạn tuần hoàn não thường là đau đầu lan tỏa, có co thắt hoặc khu trú vùng chẩm gáy – trán. Tình trạng đau tăng lên khi căng thẳng thần kinh.
  • Nặng đầu ê ẩm.
  • Chóng mặt, người bệnh mất thăng bằng, cảm giác lảo đảo thoáng qua.

Rối loạn tuần hoàn cấp tính không điều trị sớm có thể trở thành mạn tính với các dấu hiệu nặng lên theo thời gian. Ngoài đau đầu, nặng đầu, chóng mặt, người bệnh luôn cảm thấy bồn chồn, hay quên, tê đầu ngón tay, ngón chân, hoặc tê bì tay chân có cảm giác như kiến bò.

Nếu không lưu ý những dấu hiệu nhận biết bệnh để thăm khám và điều trị sớm thì về lâu dài, rối loạn tuần hoàn não có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, nhũn não, nhồi máu não.....

Rối loạn tuần hoàn não điều trị như thế nào?

Rối loạn tuần hoàn não có thể do nguyên nhân khác nhau, vì vậy, để điều trị hiệu quả thì cần xác định nguyên nhân trước, sau đó điều trị nguyên nhân gây bệnh kết hợp với điều trị triệu chứng của các đợt cấp tính.

Quá trình điều trị phức tạp đòi hỏi sự đồng hành thường xuyên của các bác sĩ nên người bệnh cần được thăm khám và tái khám định kỳ.

Bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh có thể cân nhắc một số lưu ý sau để giúp tình trạng bệnh được cải thiện:

  • Chế độ dinh dưỡng nhiều rau, quả, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt.
  • Hạn chế các món ăn nhiều dầu mỡ như chiên, xào, nướng.
  • Thay phiên thịt, cá trong tuần và ưu tiên các món cá tốt cho sức khỏe.
  • Xây dựng lối sống khoa học như tập thể dục đều đặn; bỏ thuốc lá thuốc lào, hạn chế uống bia rượu…

Tổng đài bác sĩ tư vấn và theo dõi điều trị miễn cước 1800 5454 35 / zalo 0916 561 338