Nhận biết và phòng ngừa thiểu năng tuần hoàn não
Bộ não chỉ có thể hoạt động tốt khi được cung cấp đủ lượng máu cần thiết. Nếu tuần hoàn máu não ngừng khoảng 6 giây, chúng ta sẽ ngất và tuần hoàn máu lên não ngừng 5 phút thì các tế bào não sẽ chết.
Tuần hoàn não kém sẽ dẫn đến các rối loạn như nhức đầu, ù tai, chóng mặt, lo âu, ám ảnh, mất ngủ, trí nhớ giảm, thiếu sự tập trung, nặng hơn là lú lẫn, sa sút trí tuệ, loạn ngôn, mất trí nhớ...
Thiểu năng tuần hoàn não là gì? Nguyên nhân gây ra thiểu năng tuần hoàn não?
Thiểu năng tuần hoàn não (Rối loạn tuần hoàn não) là tình trạng máu lên não giảm, làm giảm sự cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng nuôi não bộ làm cho tế bào thần kinh não thiếu năng lượng để hoạt động, từ đó ảnh hưởng tới các hoạt động chức năng của não bộ.
Thiểu năng tuần hoàn não thường gặp ở lứa tuổi ngoài 40 nhưng ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Nguyên nhân có thể do ngày nay con người tiếp cận với công nghệ, cuộc sống hiện đại khiến giới trẻ làm việc thường xuyên căng thẳng, học tập với cường độ cao nên tạo áp lực lớn lên chức năng hoạt động của não bộ.
Ngoài căng thẳng, suy nghĩ nhiều thì nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn tuần hoàn não. Nguyên nhân hay gặp nhất là xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch làm hẹp lòng ống động mạch chứa máu và vận chuyển máu lên não bộ làm cản trở quá trình lưu thông máu. Khi gặp các yếu tố kết hợp khác như huyết áp động mạch thấp sẽ có những biểu hiện của thiểu năng tuần hoàn não.
Thiểu năng tuần hoàn não còn có thể gây ra bởi tình trạng thoái hóa cột sống cổ, các dị dạng bẩm sinh hay u, sùi, bóc tách thành mạch làm hẹp lòng mạch; Các cục máu đông gây cản trở dòng tuần hoàn máu...
Nhận biết thiểu năng tuần hoàn não
Các triệu chứng thường gặp giúp nhận biết thiểu năng tuần hoàn não bao gồm:
- Đau đầu: Là dấu hiệu giúp nhận biết sớm bởi đây là triệu chứng phổ biến (90% bệnh nhân có triệu chứng này) và khởi phát sớm ngay từ khi mới mắc bệnh.
- Chóng mặt: người bị thiểu năng tuần hoàn não sẽ có cảm giác hơi loạng choạng khi đi hoặc đứng, cảm thấy bập bềnh như say sóng, có thể bị hoa mắt, tối sầm mặt lại nhất là khi di chuyển từ tư thế nằm sang tư thế đứng đột ngột.
- Dị cảm là cảm giác không thật, bất thường do bệnh nhân tự nhận biết được. Ví dụ như cảm giác tê bì ở đầu ngón, cảm giác kiến bò hoặc có cảm giác như ve kêu, cối xay lúa trong tai....
- Rối loạn về giấc ngủ: mất ngủ, ngủ không sâu giấc, nửa đêm dễ tỉnh giấc không ngủ lại được...
- Rối loạn về sự chú ý: người mắc thiểu năng tuần hoàn não hay đãng trí, dễ quên đồ đạc, chìa khóa....
- Rối loạn về cảm xúc: người bệnh dễ cáu, dễ xúc động, không kiềm chế được.
- Rối loạn trí nhớ: giảm trí nhớ gần, khả năng sắp xếp lại theo trình tự giảm.
Ngoài ra, người mắc thiểu năng tuần hoàn não có thể bị rung giật nhãn cầu, hội chứng tiền đình, chóng mặt buồn nôn và nôn...
Các triệu chứng nhận biết của thiểu năng tuần hoàn não có thể thoáng qua hoặc duy trì nhiều ngày, nhiều tuần. Nếu gặp các dấu hiệu này, người bệnh người bệnh nên đến bệnh viện khám sớm để được làm các xét nghiệm cần thiết giúp chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh để được điều trị phù hợp, hạn chế nguy cơ bệnh gây các biến chứng nguy hiểm như nhũn não, đột quỵ...
Nhận biết và phòng ngừa thiểu năng tuần hoàn não để hạn chế những biến chứng nguy hiểm (Ảnh minh họa)
Phòng ngừa thiểu năng tuần hoàn não
Bản chất các tổn thương ở não trong thiểu năng tuần hoàn là do thiếu máu nên tế bào thần kinh bị đói năng lượng - gây rối loạn vận chuyển các ion làm tổn thương tế bào thần kinh. Việc điều trị chủ yếu làm sao cho mạch máu không còn bị hẹp và không gây ra các cục đông vón trong lòng mạch làm cản trở dòng chảy của máu.
Ngoài điều trị các triệu chứng gây ra bởi thiểu năng tuần hoàn não thì cần xác định được nguyên nhân gây rối loạn tuần hoàn não để điều trị căn nguyên. Nếu phát hiện thấy các dị dạng mạch máu não thì nên phẫu thuật hay tìm các biện pháp giải quyết triệt để khác trước khi để chúng gây ra tai biến.
Người mắc thiểu năng tuần hoàn não không nên xem thường hoặc chủ quan, cần chủ động phòng ngừa các đợt cấp tính của thiểu năng tuần hoàn não theo khuyến cáo sau:
- Nên khám bệnh định kỳ để được kiểm soát huyết áp, mỡ máu, hay các bệnh lý nền...
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý (nhiều rau xanh, hạn chế dầu mỡ, đồ chiên rán...)
- Không lạm dụng rượu bia, nhất là với những bệnh nhân huyết áp, đái tháo đường...
- Cần vận động cơ thể thường xuyên.
- Tăng cường tuần hoàn não bằng các thuốc có nguồn gốc thảo dược, được cấp phép của Bộ Y tế.
Tổng đài bác sĩ tư vấn và theo dõi điều trị 1800 5454 35 / zalo 0916 561 338