Rối loạn tiền đình là gì?

Tiền đình là một trong những bộ phận thuộc hệ thần kinh, nằm phía sau hai bên ốc tai. Tiền đình thực hiện chức năng cân bằng, giúp cơ thể giữ được trạng thái thăng bằng trong mọi tư thế, hoạt động và hỗ trợ phối hợp linh hoạt giữa các bộ phận như mắt, tay, chân,...

Rối loạn tiền đình được gọi như một hội chứng hơn là bệnh lý, nghĩa là thiên về tập hợp của các triệu chứng chứ khôg đặc hiệu để chỉ một bệnh cụ thể.

Rối loạn tiền đình liên quan tới hiện tượng dây thần kinh số 8 hoặc động mạch nuôi dưỡng não chịu những tác động tiêu cực dẫn đến tổn thương hoặc có thể xuất phát từ từ các tổn thương khác tại tai và não. Khi những tổn thương không được kiểm soát, điều trị đúng cách sẽ dẫn đến quá trình truyền dẫn, tiếp nhận thông tin của hệ tiền đình bị tắc nghẽn, rối loạn.

Theo thời gian rối loạn tiền đình diễn tiến kéo dài sẽ dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng, làm mất khả năng giữ thăng bằng của cơ thể.

Phân loại rối loạn tiền đình tùy theo triệu chứng

Căn cứ vào vị trí giải phẫu và triệu chứng đặc trưng có thể chia rối loạn tiền đình thành:

  • Rối loạn tiền đình ngoại biên

Rối loạn tiền đình ngoại biên là hội chứng phổ biến nhất, thường gặp và chiếm đến 90% các trường hợp mắc rối loạn tiền đình nói chung. Khi bị rối loạn tiền đình ngoại biên người bệnh thường sẽ tỉnh táo khi di chuyển, nhưng lại hay bị chóng mặt, hoa mắt khi thay đổi tư thế.

  • Rối loạn tiền đình trung ương

Rối loạn tiền đình trung ương hiếm gặp hơn so với rối loạn tiền đình ngoại biên (chiếm khoảng 20% số ca rối loạn tiền đình nói chung). Rối loạn tiền đình trung ương thường gây ra những biến chứng nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng bệnh nhân. Rối loạn tiền đình trung ương thường do các nguyên nhân như: tổn thương tiền đình ở thân não, tiểu não.

Những triệu chứng do rối loạn tiền đình trung ương gây ra như choáng váng, ngất xỉu, đi lại khó khăn,... xuất hiện liên tục dẫn đến người bệnh suy giảm sức khỏe nghiêm trọng.

Nguy hiểm hơn, rối loạn tiền đình trung ương lại là bệnh khó kiểm soát và không thể điều trị dứt điểm so với rối loạn tiền đình ngoại biên.

Người già là đối tượng có nguy cơ cao mắc hội chứng rối loạn tiền đình

Nguyên nhân gây ra rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình xuất phát từ nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau, tùy thuộc vào yếu tố tác động sẽ dẫn đến rối loạn tiền đình ngoại biên hoặc rối loạn tiền đình trung ương.

Hội chứng tiền đình ngoại biên rối loạn xuất phát từ những nguyên nhân cơ bản sau:

  • Do tấn công của virus Zona, thủy đậu hoặc quai bị là nguyên nhân dẫn đến viêm dây thần kinh tiền đình, nghiêm trọng có thể dẫn đến liệt dây thần kinh. Bệnh tiến triển nghiêm trọng sẽ dẫn đến những biểu hiện chóng mặt, mệt mỏi đột ngột, kéo dài,...
  • Lối sống không lành mạnh gây ra một số rối loạn chuyển hóa cũng được xem là nguyên nhân gây rối loạn tại tiền đình. Các bệnh lý rối loạn chuyển hóa thường gặp như tiểu đường, suy giảm tuyến giáp, Ure huyết tăng cao,...
  • Ngoài hai nhóm nguyên nhân chính trên, tiền đình ngoại biên có thể là do phù nề vùng tai trong, tai trong bị dị dạng, chấn thương vùng tai trong, sỏi nhĩ, tác dụng phụ của một số nhóm thuốc (Streptomycin, Gentamycin,...), ảnh hưởng từ việc lạm dụng rượu, bia, ma túy, thuốc lá,...

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng rối loạn tại tiền đình trung ương

Trên lâm sàng, những nguyên nhân chính dẫn tới rối loạn tiền đình trung ương là do tổn thương trong não gây ra, thường có sự tổn thương nhân tiền đình, tổn thương đường liên hệ của các nhân dây tiền đình ở thân não, tiểu não.

Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình thường gặp (Ảnh minh họa)

Những người có nguy cơ mắc rối loạn tiền đình

Các yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ mắc rối loạn tiền đình:

  • Yếu tố tuổi tác: rối loạn tại tiền đình là hội chứng có thể gặp ở mọi độ tuổi ở nhiều đối tượng khác nhau. Tuy nhiên, theo nhiều thống kê cho thấy rối loạn tại tiền đình thường phổ biến ở nhóm người ngoài độ tuổi trung niên. Sự suy giảm về sức đề kháng, cơ thể bắt đầu lão hóa là nguyên nhân dẫn đến phổ biến các bệnh lý ở nhóm đối tượng này, theo đó nguy cơ mắc rối loạn tiền đình tăng lên.
  • Bệnh nhân có tiền sử chóng mặt: theo đánh giá của nhiều chuyên gia, những người có tiền sử thường xuyên chóng mặt sẽ có nguy cơ cao bị choáng váng, mất thăng bằng,... Đây được xem là yếu tố thuận lợi dẫn đến hình thành các rối loạn tại tiền đình.

Rối loạn tiền đình có nguy hiểm không?

Rối loạn tiền đình là tình trạng nguy hiểm, không chỉ có khả năng đe dọa đến sức khỏe mà còn đe dọa trực tiếp tới tình mạng của người bệnh. Rối loạn tiền đình ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống và công việc của người bệnh, ví dụ như:

  • Người bệnh thường xuyên mệt mỏi, gặp nhiều khó khăn trong đi lại, di chuyển gây ảnh hưởng xấu đến vận động, sinh hoạt, làm việc hàng ngày.
  • Các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt,... xuất hiện liên tục gây mất tập trung, giảm hiệu suất công việc.
  • Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể đột ngột ngất xỉu, gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng, nhất là khi đang tham gia giao thông.
  • Khả năng nghe của tai suy giảm nghiêm trọng, thường xuyên có cảm giác ù tai vào ban đêm gây mất ngủ, nhiều bệnh nhân đối diện với nguy cơ mất thính giác vĩnh viễn.

Vậy nên nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường của cơ thể có liên quan đến hội chứng rối loạn tại tiền đình cần sớm thăm khám để được kiểm tra, điều trị nhằm tránh hậu quả đáng tiếc.

Đặc biệt, đối với những người có nguy cơ cao mắc bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được kiểm tra sức khỏe định kỳ, kịp thời theo dõi diễn tiến bệnh

Nhận biết rối loạn tiền đình như thế nào? Triệu chứng cảnh báo rối loạn tiền đình

Sớm nhận biết dấu hiệu của rối loạn tiền đình là một trong những yếu tố cần thiết để bảo vệ sức khỏe, sớm điều trị hiệu quả và hạn chế những biến chứng không mong muốn cũng như chi phí điều trị.

Để nhận biết rối loạn tiền đình, bác sĩ có chuyên môn sẽ dựa vào các dấu hiệu, triệu chứng rối loạn hoặc thông qua các bước thăm khám, kiểm tra. Thông thường tùy thuộc vào tình trạng tiến triển của bệnh và sức đề kháng của cơ thể, tình trạng rối loạn tiền đình sẽ có những mức độ biểu hiện nghiêm trọng khác nhau ở mỗi người. Một số gợi ý sau có thể giúp cảnh báo người bệnh nên đi thăm khám sớm:

  • Dấu hiệu của rối loạn tiền đình ngoại biên:

Các triệu chứng xuất hiện đột ngột như chóng mặt đột ngột, liên tục, thường xuyên cảm thấy choáng váng, có cảm giác các đồ vật trong nhà di chuyển,... đặc biệt là khi thay đổi tư thế đứng lên, ngồi xuống.

Đặc trưng nhất của rối loạn tiền đình ngoại biên là tình trạng thị giác, thính giác bị rối loạn. Biểu hiện rõ ràng nhất của rối loạn thị giác là tình trạng hoa mắt, chóng mặt, khó xác định phương hướng thường xuyên xuất hiện. Biểu hiện của rối loạn thính giác là ù tai.

Ngoài ra, bệnh nhân rối loạn tại tiền đình ngoại biên còn có những dấu hiệu nhận biết khác như: đi đứng không vững, nhãn cầu thường xuyên rung giật, mệt mỏi, huyết áp giảm đột ngột, mất ngủ,...

Khi xuất hiện triệu chứng cảnh báo này, các bác sĩ khuyến cáo nên sớm điều trị để tránh những biến chứng nguy hiểm như suy giảm thị lực, không có khả năng nghe, thường xuyên bị ù tai, ảo giác tiếng ve kêu, đặc biệt là vào buổi tối.

  • Dấu hiệu cảnh báo rối loạn tiền đình trung ương

Rối loạn tại tiền đình trung ương chiếm tỷ lệ mắc ít hơn so với rối loạn tiền đình ngoại biên nhưng là hội chứng nguy hiểm hơn nên thường sẽ có những biểu hiện rõ ràng, dễ dàng nhận biết hơn khi tình trạng rối loạn đã bước sang giai đoạn nghiêm trọng. Những dấu hiệu nghiêm trọng dễ nhận thấy bao gồm:

+ Chóng mặt dữ dội, kéo dài, người bệnh xuất hiện ảo giác bồng bềnh như nằm trên sóng biển.

+ Thính lực của người bệnh suy giảm nghiêm trọng, liên tục cảm thấy ù tai, nghe kém.

+ Nhãn cầu của người bệnh bị rung giật theo nhiều hướng khác nhau, thậm chí có cả rung giật nhãn cầu chiều dọc.

+ Bệnh nhân đi đứng không vững, không thể đi theo một đường thẳng mà có xu hướng đi theo hình zic zắc, có cảm giác đi lại như người say rượu.

+ Cử chỉ phối hợp động tác kém linh hoạt, ví dụ như bệnh nhân không thể lật sấp bàn tay một cách nhanh chóng, dễ dàng như người bình thường.

Các biệt, ở một số bệnh nhân có biểu hiện thay đổi giọng nói khi phát âm một số từ có chứa âm “Ô”.

Những xét nghiệm cận lâm sàng cần thực hiện khi chẩn đoán rối loạn tiền đình

Để có kết luận chính xác về tình trạng rối loạn tiền đình nhằm sớm đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, bác sĩ có chuyên môn sẽ tiến hành chẩn đoán sau khi thăm khám lâm sàng. Căn cứ những phương pháp cận lâm sàng này mới có thể kết luận chính xác người bệnh có bị rối loạn tiền đình hay không, nếu chỉ dựa vào hỏi triệu chứng bệnh thì không đủ căn cứ kết luận.

Đây cũng chính là khuyến cáo dành cho người bệnh trước khi điều trị. Hãy gặp các bác sĩ có chuyên môn để được thăm khám và chỉ định các xét nghiệm cần thiết.

Một số phương pháp thường được sử dụng trong chẩn đoán rối loạn tiền đình hiện nay là:

  • Thực hiện điện ký rung giật nhãn cầu (viết tắt là ENG): xét nghiệm này giúp đánh giá những biểu hiện cơ bản có liên quan đến hệ thần kinh cũng như rối loạn tiền đình.
  • Xét nghiệm xoay vòng: được chỉ định để nhằm mục đích đánh giá mức độ phối hợp giữa tai và mắt của người bệnh.
  • Đo âm ốc tai (hay còn gọi là OAE): nhằm chẩn đoán tính linh hoạt, mức độ thực hiện chức năng của những tế bào lông có trong ốc tai.
  • Chụp cộng hưởng MRI: được chỉ định để kịp thời phát hiện những khối u, tình trạng tai biến hay các bất thường nếu có ở tại vị trí các mô mềm gây ảnh hưởng đến sức khỏe, hình thành triệu chứng hoa mắt, chóng mặt.

Chụp MRI là phương pháp chẩn đoán hiện đại, sớm phát hiện dấu hiệu bệnh nếu có

Cách nào chữa rối loạn tiền đình hiệu quả nhất hiện nay

Có rất nhiều phương pháp điều trị rối loạn tiền đình, tùy theo từng đối tượng khác nhau và mức độ nặng nhẹ của triệu chứng, bác sĩ sẽ tiến hành lựa chọn liệu trình phù hợp.

Quá trình điều trị nên tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ có chuyên môn để sớm đạt hiệu quả tốt nhất.

Điều trị rối loạn tiền đình bằng thuốc

Sử dụng thuốc là một trong những phác đồ điều trị đầu tiên được chỉ định cho tình trạng rối loạn tại tiền đình ở mức độ nhẹ. Các thuốc thường dùng để điều trị rối loạn tiền đình bao gồm:

+ Cinnarizin: thuốc dùng kiểm soát các biểu hiện của say tàu xe và điều trị triệu chứng chóng mặt, choáng váng, ù tai,... ở người mắc rối loạn tiền đình.

Sử dụng thuốc Cinnarizin lâu dài có thể dẫn đến một số tác dụng phụ không mong muốn liên quan đến hệ tiêu hóa. Do đó, người bệnh nên uống thuốc với lượng nước phù hợp sau khi ăn no để thuốc phát huy công dụng tốt nhất.

+ Flunarizine: được chỉ định để phòng ngừa và hỗ trợ giảm nhanh các cơn đau nửa đầu, điều trị chóng mặt, thiểu năng tuần hoàn não,...

Thuốc Flunarizine đạt hiệu quả cao trong điều trị rối loạn tại tiền đình nhưng có thể gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng: trầm cảm, rối loạn tiêu hóa,... Khi dùng thuốc bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ và bác sĩ theo dõi trong quá trình dùng thuốc.

+ Vinpocetin: có tác dụng hỗ trợ điều trị và kiểm soát các triệu chứng của rối loạn tiền đình, các bệnh có liên quan đến mạch máu não.

Thuốc có hiệu quả với rối loạn tiền đình nhưng cũng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như tim đập nhanh, rối loạn huyết áp. Quá trình sử dụng thuốc Vinpocetin nên tuyệt đối tuân thủ các chỉ định của bác sĩ, sớm thăm khám nếu xuất hiện triệu chứng bất thường.

+ Duxil: thuốc giúp giải quyết hiệu quả tình trạng thiếu oxy ở các mô, đặc biệt là tại mô não, từ đó cải thiện một cách tích cực tình trạng choáng váng. Thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ như hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim.

+ Tanganil: đây là thuốc rất phổ biến trong điều trị rối loạn tiền đình. Sử dụng thuốc Tanganil với liều lượng phù hợp giúp người mắc rối loạn tiền đình kiểm soát một cách có hiệu quả những triệu chứng do bệnh gây nên. Tuy nhiên, thuốc có thể xảy ra tương tác với một số nhóm thuốc khác, nên cần thông báo cho bác sĩ nếu bạn có sử dụng nhóm thuốc khác khi được kê đơn Tanganil.

Ngoài những nhóm thuốc trên, bác sĩ có chuyên môn sẽ dựa vào tình trạng tiến triển của rối loạn tiền đình để tiến hành kê đơn kết hợp một cách phù hợp. Đặc biệt lưu ý người bệnh không nên tự mua và sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, tránh những tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra.

Điều trị rối loạn tiền đình không dùng thuốc

Để cải thiện các triệu chứng của rối loạn tiền đình, bên cạnh biện pháp sử dụng thuốc, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp các bài tập phù hợp nhằm hạn chế các triệu chứng, biểu hiện của bệnh và nâng cao sức khỏe. Một số bài tập luyện có thể giúp cải thiện rối loạn tiền đình như:

  • Tập Yoga: Luyện tập thường xuyên giúp bệnh nhân thư giãn tốt, tăng cường sức khỏe, tạo tính linh hoạt, thăng bằng khi di chuyển.
  • Tập vẩy tay: bài tập này có thể giúp cải thiện tình trạng chóng mặt, choáng váng kéo dài. Cách tập như sau: tư thế đứng thẳng người, hai chân rộng bằng vai, đưa tay trước mặt, khép kín sau đó vung thật mạnh về phía sau.
  • Bài tập cho mắt: giúp cải thiện dần tầm nhìn và khả năng tập trung vào một vật. Quá trình tập luyện để đạt hiệu quả cần kiên trì thực hiện trong thời gian dài.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng: các môn tập luyện phù hợp cho người bị rối loạn tiền đình như đi bộ, đạp xe với quãng đường ngắn. Thực hiện duy trì đều đặn mỗi ngày với thời gian từ 15 đến 20 phút sẽ giúp cải thiện tích cực sức khỏe, tinh thần.

Nếu quá trình điều trị bằng các biện pháp (dùng thuốc, luyện tập) không đạt hiệu quả, bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện phẫu thuật. Nhưng nếu phẫu thuật thì thường có chi phí cao, khả năng hình thành biến chứng cao nên tốt nhất người bệnh nên chủ động phòng bệnh, điều trị sớm nhất có thể.

Ngăn ngừa và hạn chế nguy cơ tái phát các triệu chứng rối loạn tiền đình

Rối loạn tại tiền đình cũng như nhiều nhóm bệnh khác, nếu không có chế độ sinh hoạt, ăn uống, làm việc khoa học thì ngay cả khi dùng thuốc vẫn có nguy cơ tái phát. Do đó, những đối tượng đang điều trị hay có tiền sử mắc rối loạn tiền đình cần xây dựng một chế độ sống lành mạnh.

Thói quen sống

Chế độ sinh hoạt ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người bệnh. Để giảm thiểu triệu chứng rối loạn tại tiền đình và hạn chế nguy cơ tái phát, người bệnh cần nên xây dựng chế độ sinh hoạt, thói quen sống lành mạnh:

  • Ngủ đủ giấc: người bệnh nên ngủ đủ6 - 8h mỗi ngày, tránh tình trạng thức quá khuya và ngủ dậy quá muộn.
  • Để đầu ở tư thế phù hợp khi ngủ: khi ngủ, nên kê gối nằm ở độ cao phù hợp để máu có thể tuần hoàn một cách thuận lợi, hạn chế xảy ra tình trạng tắc nghẽn tại tĩnh mạch dẫn đến thiếu oxy.
  • Nghỉ ngơi hợp lý khi có biểu hiện chóng mặt: khi bị hoa mắt, chóng mặt, cần nằm nghỉ ngơi tại nơi yên tĩnh, thông thoáng; Đặc biệt cần hạn chế đi lại, lái xe,... dẫn đến ngất xỉu, gây nên những hậu quả nguy hiểm.
  • Hạn chế thay đổi tư thế một cách đột ngột khi đứng lên, ngồi xuống. Thay đổi tư thế đột ngột có thể làm mất thăng bằng, hoa mắt, chóng mặt, thậm chí ngất xỉu.
  • Hạn chế đứng hoặc ngồi quá lâu trong một tư thế: đối với những người làm việc trong môi trường đứng hoặc ngồi quá lâu nên đi lại, thay đổi hướng nhìn sau khoảng 30 phút làm việc. Thói quen này giúp máu lưu thông thuận lợi hơn, hạn chế tái phát các triệu chứng hoa mắt, mệt mỏi, chóng mặt,...
  • Ngâm chân bằng nước nóng trước khi đi ngủ giúp máu lưu thông thuận lợi, nâng cao chất lượng giấc ngủ, cải thiện sức khỏe cho người bệnh.

Quá trình điều trị rối loạn tiền đình đòi hỏi sự kiên trì kết hợp nhiều yếu tố, việc áp dụng đều đặn các bài tập phù hợp để nâng cao chất lượng cuộc sống, sớm kết thúc liệu trình điều trị bằng thuốc.

Rối loạn tiền đình ăn gì, kiêng gì?

Chế độ dinh dưỡng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị rối loạn tiền đình nói riêng, bảo vệ sức khỏe chung và hạn chế nguy cơ tái phát các triệu chứng của rối loạn tiền đình.

Nhóm thực phẩm tốt cho bệnh nhân rối loạn tiền đình

Người mắc rối loạn tiền đình cần lưu ý bổ sung những chất sau trong bữa ăn hàng ngày để có thể đạt hiệu quả điều trị tốt nhất:

  • Những thực phẩm lành mạnh, chứa nhiều Axit Folic, chất xơ, chất sắt và các nhóm thực phẩm chứa hàm lượng lớn Vitamin A, B6, C, D, E. Các loại hạt, trái câu hay các loại đậu là những thực phẩm giào vitamin. Ăn uống điều độ hàng ngày các thực phẩm như thịt, cá, hải sản giúp cơ thể có đủ các nhóm chất cần thiết.
  • Uống đủ nước mỗi ngày rất tốt cho sức khỏe nói chung, hội chứng rối loạn tiền đình nói riêng. Tùy thuộc vào trọng lượng cơ thể, lượng nước cần thiết mỗi ngày có thể giao động từ 1.5 đến 2.5 lít.
  • Chế độ dinh dưỡng cần được kết hợp hài hòa, đa dạng các loại thực phẩm. Không nên lạm dụng một loại thực phẩm trong thời gian dài hoặc bỏ bữa, những vấn đề này có thể khiến cho tình trạng bệnh chuyển biến một cách tiêu cực, thường xuyên tái phát.

Người mắc rối loạn tiền đình nên kiêng gì?

Bên cạnh những dạng thực phẩm cần bổ sung hàng ngày, người bệnh cần lưu ý hạn chế những nhóm thực phẩm sau đây để tránh gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị:

  • Bổ sung thực phẩm giàu chất béo phù hợp. Chất béo là một trong những dưỡng chất quan trọng, không thể thiếu của cơ thể. Tuy nhiên, người mắc rối loạn tại tiền đình nên hạn chế những thực phẩm, thức ăn có chứa nhiều chất béo như: dầu mỡ động vật, kem bơ, sữa dừa,... Nếu dùng quá nhiều có thể gây tắc nghẽn tại tĩnh mạch, gia tăng nhanh chóng hàm lượng Cholesterol trong máu.
  • Chất kích thích là chất gây hại cho sức khỏe cơ thể, được các chuyên gia y tế khuyến cáo hạn chế sử dụng. Cà phê và thuốc lá là hai chất kích thích có chứa hàm lượng lớn Nicotine gây bộc phát triệu chứng ù tai một cách nghiêm trọng và rõ rệt ở bệnh nhân rối loạn tại tiền đình.
  • Những thực phẩm chứa quá nhiều đường, muối, gas: sử dụng thực phẩm quá mặn, ngọt hoặc chứa gas (nước ngọt) sẽ làm tình trạng rối loạn tiền đình tiến triển nghiêm trọng hơn.
  • Thực phẩm có chứa Axit Amin Tyramine như rượu vang đỏ, gan gà, thịt xông khói,...nếu sử dụng thường xuyên sẽ gây gia tăng nguy cơ tái phát bệnh, đặc biệt là triệu chứng đau đầu, nặng tai.
  • Thức uống có cồn như rượu bia có thể làm tái phát và trầm trọng thêm các triệu chứng của rối loạn tiền đình. Ngừng uống rượu bia là khuyến cáo đầu tiên của bác sĩ khi tư vấn cho người bệnh về chế độ chăm sóc sức khỏe.

Rối loạn tiền đình sẽ không còn là nỗi lo nếu người bệnh có lối sống khoa học, thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Hi vọng những thông tin trên có thể giúp người bệnh có cái nhìn tổng quan về rối loạn tiền đình, chủ động phòng bệnh hiệu quả. Để được tư vấn và theo dõi điều trị, vui lòng gọi số miễn cước 1800 545435 / zalo 0916 561 338.