Thắt lòng khúc ruột miền Trung
Có đi, có tận mắt nhìn thấy mới càng thấy sức chịu đựng của đồng bào miền Trung thật phi thường khi cùng mảnh đất chôn rau cắt rốn oằn mình hứng chịu thiên tai, cơ cực cho hai đầu đất nước.
Có đi, có tận mắt nhìn thấy mới càng thấy sức chịu đựng của đồng bào miền Trung thật phi thường khi cùng mảnh đất chôn rau cắt rốn oằn mình hứng chịu thiên tai, cơ cực cho hai đầu đất nước.
Sau những chuyến đi dài ngày về với dải đất miền Trung yêu thương, giờ đây chúng tôi mới có thời gian ngồi lại để chia sẻ những cảm nhận của bản thân về khoảnh khắc sống trong hoang mang giữa bốn bề trống tênh, mênh mang nước cùng đồng bào miền Trung… Những hồi tưởng ấy lại khiến khóe mắt tôi đổ nhòa như sương giăng, những đau đớn, xót xa ấy, dẫu nhớ thôi cũng quá nghẹn ngào…
Đối với người dân miền Trung, mưa lũ đến hẹn lại lên nhưng có lẽ đợt mưa lũ lần này không ai có thể lường được lại nặng nề đến thế. Chỉ trong vòng 1 tháng, 8 tỉnh, thành phố miền Trung liên tiếp chịu ảnh hưởng của thiên tai do 3 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới, hai đợt mưa lớn kéo dài, lũ lớn vượt mức lịch sử trên 14 tuyến sông.
Báo chí, mạng xã hội tràn ngập những câu chuyện đau lòng khi cả một gia đình bị sạt lở vùi lấp, vợ chồng sinh ly tử biệt do người vợ bị nước lũ cuốn trôi trên đường đi sinh, có gia đình có người qua đời đành phải treo quan tài sát nóc nhà, nơi duy nhất nước lũ chưa dâng đến; những mái ngói bị dỡ bỏ vài viên, nhìn kỹ chỉ thấy cánh tay những người đang cầu cứu, đứa trẻ chập chững đi chưa vững cũng phải theo bố mẹ chênh vênh trên mái nhà…
Nhiều người được sơ tán đến những căn nhà cao hơn nhưng lại đối mặt với sự đói khát giữa biển nước ngầu đục vẫn đang cuộn chảy, tiếng mưa vẫn dầm dề, thê thiết át cả tiếng thở dài, khóc than đến lạc giọng của những người mất đi mái ấm khi chưa kịp chớp mắt. Đâu niềm mong ngóng một vụ mùa sung túc, đủ đầy của người dân quê cuốc nắng cày mưa, dãi dầu năm tháng hay chỉ còn lại thân lúa cọc còi chìm trong màu nước bạc, chú chó con tội nghiệp cố ngoi đầu lên chỉ cố lấy một hơi thở trước khi bị nước nhấn chìm trong dòng lũ ào ạt đổ xuôi...
Khúc ruột miền Trung như đôi quang gánh vẹt mòn chùng xuống, trĩu nặng gió sương, thừa nỗi đau rưng rức, thừa nắng hạn, bão giông. Người dân miền Trung dẫu thiệt thòi nhưng không đơn độc. Sự chung tay của cả cộng đồng trong thời gian qua là minh chứng rõ ràng nhất cho tinh thần dân tộc. Một khúc ruột đau, cả nước quặn lòng. Mưa lũ rồi sẽ đi qua, tình người sẽ còn ở lại.
Những sự trợ giúp dù ít dù nhiều cho đồng bào miền Trung vào lúc này là vô cùng cần thiết để người dân thêm vững đôi chân, gạt bùn đất, đứng lên dựng lại cuộc sống. Rất, rất nhiều người dân ở khắp mọi miền Tổ quốc đang hướng về miền Trung. Họ là người lao động. Họ là người công nhân. Họ là dân văn phòng. Họ là lính. Đủ mọi tầng lớp, thành phần. Việc gì có lợi cho dân miền Trung đều hết sức làm, từ việc cứu hộ tàu bè, tìm kiếm người mất tích, nấu cơm mang đến cho bà con vùng ngập nước đến chở hàng cứu trợ cho dân gặp thiên tai, gói bánh trưng thâu đêm để kịp chuyển xe chuyển về vùng lũ. Kể cả những dòng chia sẻ, những bài thơ mang tính thời sự viết vội, công bố vội đậm đà tình nghĩa với miền Trung.
Cùng đoàn người về với miền Trung, chúng tôi – những thành viên trong gia đình Phúc Hưng mang theo không chỉ là vật chất mà còn cả tấm lòng hướng về đồng bào thương yêu. Chúng tôi nhớ lời Phật dạy, “yêu thương vô tư rồi sẽ có tất cả”. Dân tộc ta trải qua bao cuộc chiến tranh tàn khốc, bao bận thiên tai khắc nghiệt nhưng sáng soi xuyên suốt chặng đường ấy chính là tình yêu thương, yêu thương đồng bào, yêu thương con người, yêu thương đất nước.
Chúng tôi dành những tình cảm trân quý nhất hướng về đồng bào của chúng tôi, hằng mong những cơn mưa không còn nhuốm màu xám xịt, để tình thương chan hòa vào dòng nước đục, để biết rằng cuộc sống vẫn còn có chút ý nghĩa nhân sinh, để miền Trung ruột thịt vươn lên trong kham khổ và thấy lại ánh mặt trời.
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi…để gió cuốn đi…”