Tên gọi, phân nhóm thục địa

Tên gọi khác: Thục địa hoàng, Địa hoàng than, Sinh địa,…

Tên khoa học: Rehmannia glutinosa Gaertn

Họ: Hoa mõm sói (Scrophulariaceae)

Bộ phận dùng: Rễ củ của cây địa hoàng được dùng làm thuốc (tên gọi Thục địa – tên khoa học của dược liệu: Radix Rehmanniae).

Đặc điểm thực vật cây địa hoàng, nơi phân bố, thu hái

Mô tả thực vật

Địa hoàng là cây thân thảo, sống nhiều năm tại những nơi có khí hậu ôn hòa, mát mẻ. Phần rễ cây được sử dụng để làm thuốc. Toàn cây được bao phủ bởi lông mềm, màu trắng, cây khi trưởng thành có chiều cao trung bình từ 30 – 40cm.

- Lá mọc đối xứng ở các đốt của thân, tập trung xòe rộng ở dưới mặt đất. Phiến lá có hình bầu dục dài hoặc hình trứng ngược, đuôi tù, mép lá có răng cưa tù nhưng không đều, có gân nổi rõ ở phía dưới và chia phiến thành nhiều múi nhỏ khá đặc trưng. Lá dưới gốc hẹp và dài hơn so với lá ở ngọn, mặt lá có nhiều nếp nhăn. Lá dài  khoảng 3 – 15cm, rộng khoảng 1.5 – 6cm.

- Hoa mọc thành chùm ở ngọn cây, có 5 cánh, mặt ngoài có màu đỏ tím mặt trong có màu vàng xen lẫn các vân tím. Hoa thường nở vào tháng 4 - tháng 6. Quả bế đôi, hình dáng tương tự quả trứng, chứa nhiều hạt màu nâu nhạt. Cây thường cho quả vào tháng 7, tháng 8 hàng năm.

Vị thuốc thục địa

Hoa của cây địa hoàng

- Phần rễ cây địa hoàng phát triển thành củ, mỗi cây có khoảng 5-7 củ. Đâm chồi ở củ hom chỉ sau khoảng 10 ngày. Các rễ tơ mọc rất nhiều phía trên mầm của củ hom. Phần rễ nửa chừng dài hơn và có thể hình thành nên củ. Tuy nhiên nếu gặp thời tiết bất lợi sẽ không thể hóa thành củ. Rễ củ có đường kính từ 0.5 – 3cm, xuất hiện ở mầm và thường có sau 45 ngày.

Phân bố

Theo nhiều tài liệu, dược liệu này có nguồn gốc từ đất nước Trung Quốc. Cho tới năm 1958, cây đã du nhập vào Việt Nam, được nhân giống bằng mầm rễ. Cây thích hợp sinh sống ở môi trường đất phù sa, đất cát pha và nơi có nhiệt độ 30 độ C.

Hiện nay, cây được trồng nhiều ở các tỉnh phía Bắc nước ta: Bắc Giang, Bắc Kạn, Thanh Hóa… Ngoài ra, cũng có rất nhiều vùng dược liệu sạch nuôi trồng giống thảo dược này để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Thu hái, bộ phận dùng

Cây thường được thu hoạch vào hai vụ là vụ đông xuân (tháng 2-3) và vụ hạ (tháng 8-9). Theo kinh nghiệm, phần rễ củ có tuổi đời trên 6 tháng là lúc củ có chứa đầy đủ dưỡng chất nhất. Củ tươi, có hình trụ, dễ gãy, vỏ bên ngoài màu vàng đỏ, có những vùng bị thắt lại và chia củ thành nhiều khoang.

2 cách chế biến vị thuốc thục địa

Thục địa là  một trong những vị thuốc quý được bào chế khá kì công, quá trình bào chế ảnh hưởng lớn đến công dụng của dược liệu.

Ở Trung Quốc, người ta bào chế thục địa theo phương pháp “cửu trưng, cửu sái”- có nghĩa là 9 lần nấu, 9 lần phơi. Tuy nhiên, đây chỉ là phương pháp điều chế được giới thiệu chung chung trong Dược điển, chưa thể hiện kĩ lưỡng quy trình cụ thể.

Ở Việt Nam, thục địa thường được bào chế cùng gừng, sa nhân, theo 2 cách phổ biến như sau:

  • Cách 1

Sau khi thu hoạch củ cây địa hoàng, rửa sạch và xếp vào thùng theo thứ tự to dưới, nhỏ trên. Đổ rượu vào thùng theo tỷ lệ 9:1 tức cứ 90kg củ thì đổ 10 lít rượu. Cho thùng lên bếp đun sôi, sau đó đun lửa nhỉ từ 6-8 giờ cho đến khi cạn. Trong quá trình đun cứ khoảng 1 giờ thì múc nước từ đáy nồi tưới lên trên cho thấm đều.

Sau khi đun khoảng 8 tiếng, lấy củ cây địa hoàng ra phơi khoảng 3 ngày. Sau đó lại đem đun với nước gừng ( dùng 2kg gừng tươi giã nhỏ hòa với nước, lọc bỏ gừng). Tiếp tục vớt ra phơi và lặp lại công đoạn nấu với nước gừng từ 5-7 lần. Khi thấy củ cây địa hoàng đổi sang màu đen nhánh thì là thành công bào chế thục địa.

  • Cách 2

Đầu tiên chuẩn bị 10kg gừng xay ướt và 1.5kg sa nhân xay nhỏ vào nồi nấu hai vỏ, thêm nước đun sôi âm ỉ khoảng 1 giờ. Sau đó lấy dịch chiết từ sa nhân và gừng khoảng 50 lít.

Tiếp đó cho 10kg củ địa hoàng vào nồi nấu hai vỏ, tẩm với 22.5 lít rượu và 50 lít nước gừng sa nhân trước đó, đem ủ khoảng 2 giờ. Chú ý nếu củ địa hoàng chưa ngập thì có thể thêm nước sạch sao cho mực nước ngập khoảng 2-3cm. Sau khi ngâm, nấu trong 3 ngày, mỗi ngày đun sôi âm ỉ khoảng 6 giờ. Nếu thấy nước cạn thì bổ sung thêm nước sôi đảm bảo đủ ngập củ địa hoàng.

Đến ngày 4, rút bỏ dịch nấu rồi trộn củ địa hoàng với 22.5 lít rượu. Chú ý trộn cho đều, đảm bảo tất cả củ đều ngâm rượu. Tiếp tục đổ dịch nấu vừa rút vào và ngâm trong 2 giờ. Sau lại thêm nước cho ngập và đun sôi âm ỉ trong 6 giờ. Đến ngày thứ 5, tiếp tục nấu nhưng điều chỉnh lại lượng nước để hôm sau nước cạn còn khoảng 9-10 lít nước. Sau đó đem đi sấy, trong quá trình sấy lấy nước được rút ra để tẩm lại cho đến khi hết dịch.

Quá trình tẩm – sấy (hoặc phơi nắng) thục địa được làm liên tục cho tới khi hết dịch và thu được khối dày không đều nhau, màu đen, láng bóng, khô, dẻo, thớ dai chắc, sờ không dính tay là được.

Vị thuốc quý thục địa

Vị thuốc quý thục địa được bào chế rất cầu kì

Tính vị, quy kinh, công dụng, liều dùng của vị thuốc thục địa theo đông y

Tính vị

Vị ngọt, tính ấm.

Qui kinh

Qui vào 3 kinh Tâm, Can, Thận.

Công năng, chủ trị của vị thuốc thục địa

  • Theo y học cổ truyền, thục địa có công năng chủ trị như:

+ Tư âm, dưỡng huyết dùng trong trường hợp thiếu máu, chóng mặt, đau đầu, tân dịch khô sáp, mắt khô rom, nứt nẻ môi, râu tóc sớm bạc, lưng đau, gối mỏi khi dùng phối hợp với Hà thủ ô, đương qui, câu kỉ tử.

+ Sinh tân dịch, chỉ khát, dùng trong bệnh tân dịch hao tổn, háo khát, phối hợp với hoài sơn, tri mẫu, hoàng liên, ngũ vị tử.

+ Nuôi dưỡng và bổ thận âm, dùng trong các trường hợp chức năng thận âm kém (thận âm bất túc), dẫn đến ù tai, di mộng tinh, tự hãn, phụ nữ kinh nguyệt không đều, huyết hư sinh đau đầu, phối hợp cúc hoa, mạn kinh, đương quy.        

Liều dùng, cách dùng

Khi dùng nên thái mỏng thục địa đem sắc uống, tán bột làm viên hoàn hoặc nấu thành cao đặc. Ngày dùng từ 12 – 20g.

Nghiên cứu về vị thuốc thục địa theo y học hiện đại

Thành phần dược chất có trong thục địa

Hàm lượng của các hợp chất trong Thục địa thay đổi tùy thuộc vào số lần hấp, sấy và phương pháp làm khô. Các hoạt chất chính trong thục địa gồm một số chất như:

+ Ajugol, Catapol, Leonuride, Aucubin, Melittoside (theo Sinh Dược Học Tạp Chí ).

+ Isoacteoside

+ Manitol, Campesterol, Catalpol, Glucose, b-Sitosterol, Stigmasterol,… (theo Chinese Herbal Medicine).

+ Glutinoside và Monometittoside.

+ Actioside và Rehmaglutin A, B, C, D.

Tác dụng của thục địa theo y học hiện đại

+Theo các đề tài nghiên cứu của khoa học hiện đại, thục địa có các tác dụng dược lý như:

  • Tác dụng đối với đường huyết: Cây địa hoàng có tác dụng hạ đường huyết. Có báo cáo cho rằng thực nghiệm trên chuột cống thấy địa hoàng làm tăng đường huyết, tuy nhiên thảo dược này không ảnh hưởng đến nồng độ đường trong máu ở thỏ (theo Trung Dược Học).
  • Tác dụng đối với hệ miễn dịch: Nước sắc từ thục địa có tác dụng ức chế miễn dịch tương tự corticosteroid nhưng không gây tổn thương và làm teo vỏ thượng thận (theo Trung Dược Học).
  • Nước sắc từ cây địa hoàng còn có tác dụng hạ áp, cầm máu, lợi tiểu, chống nấm, tăng cường tim mạch, bảo vệ tế bào gan và chống chất phóng xạ.
  • Tác dụng kháng viêm: Thực hiện trên chuột cống được gây viêm bằng Formalin ở vùng chân đùi cho thấy nước sắc từ địa hoàng có tác dụng kháng viêm (theo Trung Dược Học).
  • Độc tính: Thục địa có độc tính nhẹ, có thể gây đau bụng, hồi hộp, tiêu chảy và chóng mặt (theo Chinese Herbal Medicine).

Bài thuốc y học cổ truyền từ dược liệu thục địa

Một số bài thuốc từ dược liệu thục địa:

  • Bài thuốc bổ huyết, sinh huyết cổ phương Tứ vật thang: thục địa 12 - 24g, bạch thược 12 - 16g,  đương quy 12 - 16g, xuyên khung 6 - 8g.
  • Bài thuốc trị đại dịch khó cứu, ôn độc phát ban: Dùng đậu xị 480g, mỡ heo 960g với sinh địa 240g. Đem đun sôi từ 5 – 6 lần, sau đó thêm xạ hương và hùng hoàng vào, trộn đều và uống.
  • Bài thuốc trị chảy máu cam tái phát nhiều lần: Dùng thục địa, địa cốt bì, sinh địa và câu kỷ tử bằng lượng nhau. Mỗi ngày sắc 8g uống với mật ong, sử dụng 3 lần/ ngày.
  • Bài thuốc trị tiểu ra máu và huyết nhiệt: Dùng hoàng cầm sao 20g, trắc bá diệp sao 4g, sinh địa 8g, a giao sao 4g. Đem sắc và uống ngay sau khi ăn.
  • Bài thuốc trị huyết trưng: Dùng ô tặc cốt 80g với can địa hoàng 40g, đem tán bột và chia thành 7 phần bằng nhau. Mỗi lần dùng 1 phần uống với rượu.
  • Bài thuốc trị huyết áp cao: Dùng 20 – 30g thục địa sắc uống mỗi ngày. Duy trì bài thuốc trong 2 – 3 tuần để đạt được kết quả tốt.
  • Bài thuốc trị cột sống thoái hóa và viêm: Dùng nhục thung dung 20 cân và thục địa 30 cân, đem tán bột mịn. Tiếp tục dùng dâm dương hoắc 20 cân, la bặc tử 10 cân, cốt toái bổ 20 cân, kê huyết đằng 20 cân trộn với bột và sắc thành cao. Thêm 3 cân mật vào, trộn đều và làm thành hoàn. Mỗi lần dùng 2 hoàn (khoảng 5g), ngày dùng 2 – 3 lần.
  • Bài thuốc trị dương minh ôn bệnh: Dùng mạch môn 32g, nguyên sâm 40g, sinh địa 32g, 8 chén nước, đem sắc cho đến khi còn 3 chén. Uống thuốc khi thấy miệng khô. Uống đến khi đi tiêu được.
  • Bài thuốc trị chảy máu cam và ngực có nhiều nhiệt: Dùng long não, bạc hà, can địa hoàng bằng lượng nhau. Đem uống với nước lạnh.
  • Bài thuốc trị ra máu hồng tươi, trường phong tạng độc: Dùng hoàng bá sao 1 cân, sinh địa 1 cân đem tán thành bột mịn. Sau đó trộn với mật ong làm hoàn (hoàn bằng hạt ngô đồng lớn). Uống thuốc khi đói, mỗi lần dùng 80 – 90 viên, nên dùng trước khi ăn.
  • Bài thuốc trị có thai à ra huyết: Dùng can địa hoàng 240g với can khương bào mỏng 40g đem tán bột. Mỗi lần dùng 1 thìa uống với rượu, ngày dùng 3 lần.
  • Bài thuốc trị táo bón do âm hư: Dùng thục địa 80g đem sắc với thịt heo. Lấy nước uống cho đến khi đi tiêu bình thường.
  • Bài thuốc trị tiểu đường: Dùng thái tử sâm 16g, ngũ vị tử 8g, thục địa 12g, sơn dược 20g đem sắc uống.
  • Bài thuốc trị vô sinh nữ: Dùng hoài sơn 240g, đơn bì 120g, bạch linh 160g, thục địa 320g, sơn thù 200g, trạch tả 120g. Đem thục địa nấu cao rồi trộn đều với mật ong. Các vị thuốc còn lại đem tán mịn và điều với mật ong làm hoàn, mỗi viên 10g. Ngày dùng 4 viên chia thành 2 lần uống.

Kiêng kỵ

+Dương khí suy, ngực đầy, vị khí hư hàn và dương khí thiếu: Không được dùng (theo Đắc Phối Bản Thảo). Dùng thục địa lâu dễ ảnh hưởng đến tiêu hóa, do đó khi dùng có thể phối hợp thêm thuốc hành khí như trần bì, hương phụ để tránh hiện tượng đầy bụng.

+Kỵ Thông bạch, Cửu bạch, La bặc, Phỉ bạch (theo Dược Phẩm Tinh Yếu).

+Sợ vô di, ghét bối mẫu có nghĩa là không dùng cùng dược liệu Bối mẫu, Vô di (theo Bản Thảo Kinh Tập Chú).

+Trong cơ thể bị hàn, có dịch tiết và tích tụ: Không dùng (theo Y Học Nhập Môn).

+Kỵ Tam bạch (theo Dược Tính Luận).

Thông tin về dược liệu thục địa trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Trước khi áp dụng những bài thuốc từ dược liệu này, cần được bác sĩ y học cổ truyền tư vấn cụ thể. Hotline: 1800 5454 35.