Đau đầu ngất hoa mắt chóng mặt cần phải làm gì?
Chào bác sĩ, năm nay tôi 50 tuổi. Gần đây tôi hay bị hoa mắt, chóng mặt, đau đầu. Đau đầu thì bị thường xuyên từ cách đây khoảng 4 – 5 năm, khoảng 2 – 3 tuần thì bị đau đầu, buồn nôn. Tôi có từng bị ngất 1 lần. Hiện tôi chưa đi khám đâu cả, xin bác sĩ cho biết liệu tôi có mắc bệnh lý gì nghiêm trọng không? Tôi phải làm gì để giảm triệu chứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt?
Hoàng Thị Nga – Hà Nội
Chào bạn,
Đau đầu, ngất, hoa mắt chóng mặt là tình trạng thường gặp và ai cũng có thể bị ít nhất một lần trong đời. Các triệu chứng này có thể xuất hiện thường xuyên ở đối tượng người trong độ tuổi trung niên, người cao tuổi, thường gặp ở nữ nhiều hơn nam.
Hoa mắt chóng mặt có thể do sinh lý, liên quan nhiều đến thay đổi tư thế. Khi người bệnh đang ngồi và đứng lên sẽ thường bị chóng mặt hoa mắt, tình trạng này sẽ giảm dần nếu để cơ thể nằm yên, nhắm mắt và thả lỏng. Theo chuyên khoa thì tình trạng này gọi là “chóng mặt tư thế kịch phát lành tính”. Các cơn hoa mắt chóng mặt có thể kéo dài trong thời gian từ vài ngày đến vài tuần, sau đó có thể tự hết và tái phát lại sau vài năm hoặc ngắn hơn là vài tháng.
Nhưng ngoài nguyên nhân do sinh lý thì đau đầu hoa mắt, chóng mặt có thể là biểu hiện của các bệnh lý như rối loạn tiền đình, thiểu năng tuần hoàn não hoặc các bệnh viêm tai giữa, huyết áp thấp, suy nhược thần kinh,…
Vì vậy nếu bạn thường xuyên bị hoa mắt, chóng mặt, đau đầu để yên tâm hơn về sức khỏe của mình, các bạn nên đi đến bệnh viện, cơ sở y tế để chụp CT đầu, CT sọ não hoặc CT mạch cảnh để bác sĩ kiểm tra, phát hiện và chẩn đoán bệnh sớm.
Việc chủ quan không thăm khám có thể khiến bạn gặp một số rủi ro trong cuộc sống. Ví dụ như khi bạn đột ngột bị hoa mắt chóng mặt, đau đầu và ngất xỉu có thể gây ra tai nạn, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến chấn thương sọ não. Vì thế để đề phòng rủi ro nguy hiểm, khi các triệu chứng xuất hiện, bạn nên dừng lại mọi chuyện và ngồi lại nghỉ ngơi ngay lập tức. Ngoài ra bạn có thể phòng tránh đau đầu, ngất, hoa mắt chóng mặt bằng cách:
- Hạn chế các công việc nguy hiểm như trèo cao, lái xe,…
- Duy trì lối sống khỏe mạnh, đảm bảo ăn uống đúng bữa mỗi ngày và đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể khỏe mạnh. Đa dạng khẩu phần ăn vào thực đơn hàng ngày, bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả và uống thật nhiều nước.
- Không thức quá khuya, đi ngủ đúng giờ và đảm bảo ngủ ít nhất từ 6 - 8 tiếng một ngày.
- Tránh căng thẳng, mệt mỏi, giảm áp lực công việc để cơ thể được nghỉ ngơi. Suy nghĩ lạc quan, tích cực hơn mỗi ngày.
- Không hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu và các chất kích thích có hại cho cơ thể.
- Duy trì thói quen tập thể dục thể thao mỗi ngày như luyện yoga, tập gym,…
- Tránh đổi tư thế cơ thể đột ngột như đang nằm lại đứng bật dậy hoặc xoay nhanh và liên tục sang 2 bên vì như vậy khiến bạn dễ bị hoa mắt chóng mặt.
Khi triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, đau đầu tái phát thì bạn có thế ứng phó tạm thời như:
- Mức độ nhẹ
Nếu các triệu chứng chỉ xảy ra ở mức độ nhẹ thì bạn chú ý không nên di chuyển đột ngột và dùng tay ấn vào các huyệt ở đầu (có thể là thái dương, bách hội) để giảm đau đầu, hoa mắt chóng mặt.
- Mức độ vừa
Lấy khoảng 10g gừng tươi để giã lấy nước, cho thêm khoảng 100ml nước sôi vào và khoắng đều, có thể cho thêm đường để dễ uống. Uống nước này khi nóng sẽ giúp làm giảm triệu chứng đau đầu, hoa mắt chóng mặt.
- Mức độ nặng
Bạn nên uống nước gừng tươi theo công thức trên và kết hợp nghỉ ngơi. Nên nằm yên ở khu vực yên tĩnh, tránh tiếng ồn, không đi lại để tránh té ngã. Khi cơ thể đã khỏe hơn hãy đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám.
Bệnh nhân nên đi chụp CT đầu để được chẩn đoán chính xác về tình trạng sức khỏe của mình, tránh để lâu khiến triệu chứng chuyển biến nặng. Bên cạnh đó trong quá trình điều trị bệnh, bạn nên tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Tổng đài bác sĩ tư vấn điều trị 1800 5454 35/ zalo 0916 561 338