Vì sao người cao tuổi bị chóng mặt?
Mẹ tôi năm nay 67 tuổi, khoảng 3 – 4 năm trở lại đây mẹ tôi hay bị chóng mặt và đau đầu. Mẹ tôi có đi khám bệnh thì bác sĩ chẩn đoán rối loạn tiền đình, điều trị có đỡ nhưng được một thời gian . Xin bác sĩ cho tôi biết thêm nguyên nhân gây chóng mặt, bệnh rối loạn tiền đình là gì? Dùng thuốc gì để tình trạng của mẹ tôi hạn chế tái phát?
(Nguyễn Thu Hằng – Bình Dương)
Chào bạn,
Chóng mặt là tình trạng thường gặp ở người cao tuổi, càng cao tuổi thì tỉ lệ mắc càng nhiều. Nguyên nhân phổ biến gây ra chóng mặt ở người cao tuổi là do rối loạn tiền đình và các bộ phận liên quan đến tiền đình như bệnh thần kinh trung ương, cơ quan thị giác.
Ngoài chóng mặt, người cao tuổi có thể có thêm cảm giác ù tai, buồn nôn.
Khi bị các đợt cấp của tiền đình, người cao tuổi sẽ có cảm giác mất thăng bằng, đứng không vững, mở mắt hay nhắm mắt lại đều có cảm giác đồ vật xoay quanh mình. Tùy mỗi người mà cảm nhận triệu chứng ở mức độ khác nhau. Có người nói bị xoay tròn hoặc sự vật xung quanh xoay quanh mình, có người mô tả bị choáng váng và đau đầu, có người thì đứng lên là lảo đảo muốn té ngã.
Như bạn mô tả về tình trạng của mẹ bạn thì bác gặp những bất tiện nhất định do triệu chứng chóng mặt, bệnh lý rối loạn tiền đình gây ra. Chóng mặt không phải là bệnh lý mà là triệu chứng của sinh lý hoặc nhiều bệnh lý khác nhau và rối loạn tiền đình là nguyên nhân hay gặp gây ra chóng mặt ở người lớn tuổi. Ngoài ra, các bệnh lý toàn thân ở người lớn tuổi cũng có thể gây ra chóng mặt, phổ biến như bệnh thiếu máu, rối loạn điện giải, suy chức năng tuyến giáp, cao huyết áp, cơn đau thắt ngực, suy tim… Thậm chí hạ huyết áp tư thế cũng gây ra chóng mặt. Để chẩn đoán chóng mặt do rối loạn tiền đình, bác sĩ phải loại trừ các nguyên nhân toàn thân vừa nêu.
Rối loạn tiền đình không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt, công việc làm giảm chất lượng cuộc sống do mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, run rẩy, tê bì tay chân, mắt mờ mà còn có thể gây ra biến chứng, thậm chí nguy hiểm. Trong cơn bệnh nếu cố gắng đi lại có thể ngã gây chấn thương xây xước da, chảy máu, thậm chí gãy chân tay, chấn thương sọ não (ngã cầu thang)… Biến chứng nguy hiểm nhất là có thể gây đột quỵ do máu lên não kém.
Các nguyên nhân có thể gây rối loạn tiền đình bao gồm:
- Não hoặc tai trong bị ảnh hưởng vì có sự xâm nhập của vi khuẩn hay virus ở tai, chấn thương tại đầu hoặc tuần hoàn máu bị rối loạn.
- Mạch máu não bị tắc nghẽn do bệnh lý tim mạch, thiếu máu, huyết áp thấp, tai biến,...
- Sự sản sinh lượng một lớn hormone cortisol của cơ thể do áp lực, căng thẳng, lo lắng gây ra hệ lụy là hệ thống thần kinh trong đó có dây thần kinh số 8 bị tổn thương và tiền đình không nhận được thông tin chính xác nên không hoạt động theo đúng yêu cầu.
- Suy giảm chức năng của một số cơ quan trong cơ thể ở người lớn tuổi.
- Mất máu quá nhiều do bệnh lý hay chấn thương nào đó.
- Chịu áp lực tâm lý trong thời gian dài như: lo âu, stress, căng thẳng,...
- Ngộ độc một số loại thuốc mà điển hình là thuốc kháng lao.
Với hàng loạt lý do có thể gây ra rối loạn tiền đình như đã nêu, việc điều trị phải căn cứ vào nguyên nhân gây ra mới đạt hiệu quả. Nhiều trường hợp cho dùng thuốc thì giảm, nhưng ngưng thuốc triệu chứng chóng mặt trở lại như cũ, chủ yếu là do chỉ tập trung điều trị triệu chứng mà chưa quan tâm đúng mức tới điều trị nguyên nhân gây bệnh. Thuốc điều trị rối loạn tiền đình hiện nay được giới thiệu rất nhiều, thường hay được dùng là các thuốc ức chế tiền đình, tuy nhiên cần phải chỉ định bởi thầy thuốc do người cao tuổi dùng hay gặp tác dụng ngoại ý.
Ngoài các điều trị bằng thuốc, người cao tuổi có thể giảm các triệu chứng của rối loạn tiền đình bằng cách:
- Không ngồi quá lâu trước máy vi tính, xem điện thoại hoặc ngồi một chỗ.
- Luyện tập thể thao vừa sức, chú ý thường xuyên tập các bài vận động cho vùng cổ, gáy và đầu.
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
- Hạn chế bị lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi kéo dài.
- Khi đứng lên/ngồi xuống không thực hiện động tác quá nhanh.
- Không quay cổ đột ngột.
Tổng đài bác sĩ tư vấn miễn cước 1800 5454 35 / zalo 0916 561 338