Tê bì chân tay ở người cao tuổi – Những điều cần biết
Tê bì chân tay ở người cao tuổi có thể là biểu hiện sinh lý bình thường, những cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của những bệnh lý nguy hiểm.
So với các độ tuổi khác, người trung niên, nhất là người cao tuổi là đối tượng thường bị tê bì chân tay “tấn công”. Xét về góc độ bệnh lý thì khi tuổi càng cao, các cơ quan trong cơ thể càng trở nên lão hóa, các bệnh rối loạn chuyển hóa như: đái tháo đường, mỡ máu cao... có thể khiến người cao tuổi gặp phải triệu chứng tê bì chân tay.
Khi nào tê bì chân tay ở người cao tuổi là dấu hiệu nguy hiểm?
Theo các bác sĩ, nguyên nhân dẫn tới tê bì tay chân bao gồm nguyên nhân sinh lý và nguyên nhân bệnh lý. Nếu chỉ do nguyên nhân sinh lý thì người cao tuổi không nên quá lo lắng.
Tê chân tay sinh lý thường sẽ xuất hiện khi mạch máu khó lưu thông: do thời tiết lạnh thất thường, hoặc dây thần kinh bị chèn ép vì đứng lâu, ngồi lâu, nằm sai tư thế gây ra….
Tê bì chân tay sinh lý ở người cao tuổi có thể hết khi thay đổi tư thế, vận động thể thao.
Ngược lại, nếu người cao tuổi bị tê chân tay bệnh lý thì cần hết sức cảnh giác. Cần theo dõi sát sao triệu chứng để kịp thời xử trí, nếu tê bì chân tay thường xuyên xảy ra và tiến triển nặng hơn, tập thể dục không giảm hoặc càng tập càng đau thì nên nghĩ tới các bệnh lý tiềm ẩn bên dưới. Một số bệnh lý có thể là nguyên nhân gây ra tê bì tay chân bao gồm:
- Thoái hóa xương khớp ở người cao tuổi.
Người cao tuổi bị thoái hóa đốt sống cổ hay thoái hóa cột sống thắt lưng, bệnh thoát vị đĩa đệm, viêm khớp dạng thấp, hội chứng ống cổ tay... có thể dẫn tới tình trạng tê bì tay chân.
Nguyên nhân này rất hay gặp ở người cao tuổi.
Ngoài việc đau mỏi cổ khiến người cao tuổi tìm đến với thầy thuốc, thì rất nhiều người đến với thầy thuốc vì tự nhiên không thể giơ tay lên được hoặc cảm thấy tê cả vùng ngoài của cánh tay, hoặc tê vùng mông và vùng đùi, vùng chân. Ở người cao tuổi mắc các bệnh lý thoái hóa xương khớp, hệ thần kinh đi từ dây thần kinh trung ương chui qua các khe khớp, cơ khớp và sụn khớp bị tổn thương đè vào dây thần kinh làm dây thần kinh thiếu máu dinh dưỡng dẫn tới tê bì.
Dấu hiệu tê bì tay chân do các bệnh xương khớp nói chung ở người cao tuổi, khi nằm nghỉ ngơi, thay đổi tư thế thì có thể giảm đi được. Tuy nhiên, nếu triệu chứng đã nặng và xảy ra thường xuyên thì nên điều trị sớm vì khi đó, dây thần kinh đã bị tổn thương khó hồi phục do bị chèn ép và không được nuôi dưỡng đủ. Điều trị sớm cũng sẽ giảm nguy cơ dẫn tới những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới chất lượng sống của người bệnh.
- Tê bì chân tay ở người cao tuổi do bệnh rối loạn chuyển hóa:
Ngoài thoái hóa xương khớp thì bệnh tiểu đường và mỡ máu cao hay nhóm các bệnh bệnh rối loạn chuyển hóa nói chung chính là nguyên nhân gây ra tê bì chân tay. Bệnh lý rối loạn chuyển hóa thường gây tổn thương vi mạch, tức là ở những mạch máu nhỏ nuôi dây thần kinh. Khi vi mạch bị tổn thương, làm lấp 50% lòng mạch trở lên sẽ dẫn tới tình trạng thiếu hụt máu nuôi dưỡng dây thần kinh. Khi này, các triệu chứng ban đầu niểu hiện chỉ là rối loạn co thắt mạch máu, co thắt dẫn tới thiếu máu, gây tê tay chân. Nếu được khắc phục sớm sẽ giảm thậm chí hết tê bì. Nhưng đến lúc tình trạng bệnh nặng hơn nữa tức là mạch máu chít hẹp, tắc mạch sẽ khiến người cao tuổi bị teo cơ, trợt loét - chính những biến chứng nặng hơn của bệnh đái tháo đường và bệnh mỡ máu cao.
Người cao tuổi bị bệnh đái tháo đường, biểu hiện tê bì tăng lên khi nằm nghỉ ngơi, tê nhiều vào ban đêm và khi vận động thì lượng máu lưu thông tốt hơn giúp phục hồi dây thần kinh sẽ đỡ tê bì chân tay hơn. Đây cũng là một trong những khác biệt giúp phân biệt giữa tê bì do bệnh lý của khớp và do rối loạn chuyển hóa gây ra.
Làm gì khi người cao tuổi bị tê bì tay chân?
Nếu người cao tuổi bị tê bì tay chân do sinh lý thì không cần điều trị, chỉ cần thay đổi tư thế, vận động thể thao là hết triệu chứng.
Nếu người cao tuổi tê bì chân tay thường xuyên, tiến triển nặng hơn, vận động thể dục không đỡ cần phải khám và điều trị các bệnh lý là căn nguyên gây tê bì tay chân như bệnh rối loạn chuyển hóa, các bệnh xương khớp…. Lúc này, tê bì chân tay là do biến chứng viêm thần kinh ngoại biên nếu không điều trị kịp thời có thể giảm đến mất hoàn toàn cảm giác, gây viêm loét....
Người cao tuổi là đối tượng cần được quan tâm hàng đầu, khi có triệu chứng tê bì tay chân kéo dài hoặc xuất hiện thêm các triệu chứng khác như đau đầu, mất ngủ thì cần được đi khám và chẩn đoán, điều trị sớm. Khuyến cáo dành cho người cao tuổi bị tê bì chân tay bao gồm:
- Đi khám và dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ để điều trị bệnh lý tiểu đường, mỡ máu, các bệnh xương khớp…
- Xây dựng chế độ ăn giàu dinh dưỡng, bổ sung đầy đủ vi khoáng chất như: đậu tương, đậu xanh, lạc vừng, rau diếp, lòng đỏ trứng…
- Tập luyện thể thao đều đặn tùy theo sức khỏe và nên khám bệnh định kỳ hàng năm.
Nếu có tình trạng tê bì chân tay, bạn có thể gọi tới 1800 5454 35 (Giờ hành chính) hoặc gửi câu hỏi tới zalo số hotline 0916 561 338 để được tư vấn (Miễn phí).