Tê bì tay chân là dấu hiệu của bệnh lý gì?
Nếu tình trạng tê bì tay chân kéo dài, nên đi khám để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Tê bì, đau nhức tay chân là tình trạng bất cứ ai đều mắc phải ở các mức độ khác nhau. Nếu tê bì chân tay thường xuyên và không khỏi thì người bệnh cần lưu ý đi khám sớm để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng khó lường về sau.
Tê bì tay chân là bệnh gì?
Tê bì tay chân là triệu chứng, có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau. Không có bệnh tê bì tay chân, chỉ có triệu chứng tê bì tay chân.
Khi có cảm giác bị tê ở tay hoặc chân có thể là do các dây thần kinh đang bị chèn ép. Cảm giác tê bì này sẽ xuất hiện nhiều ở các ngón giữa, ngón trỏ.
Nếu tê bì tay chân là triệu chứng của bệnh lý thì sẽ còn có các triệu chứng khác kèm theo, ví dụ như các ngón tay, ngón chân như thể đang bị kim đâm vào hoặc kiến bò xung quanh. Điều này khiến người bệnh cảm thấy vô cùng khó chịu, việc vận động cũng trở nên khó khăn.
Tùy vào nguyên nhân bệnh gây ra triệu chứng và tiến triển của bệnh mà tần suất cũng như mức độ tăng nặng nhẹ của tê bì tay chân sẽ khác nhau. Thông thường, tê bì tay chân có thể xuất hiện từ cánh tay, lan dần xuống cổ tay và bàn tay.
Nếu như chủ quan và không điều trị sớm, người bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn khi cầm nắm và đi đứng. Nhiều trường hợp bệnh lý gây tê bì tiến triển nặng khiến người bệnh luôn thấy tê, buốt tại vị trí bị đau, cơ thể mệt mỏi, vận động trở nên rất khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và làm việc hằng ngày.
Nguyên nhân gây tê bì tay chân
Theo các bác sĩ chuyên khoa, triệu chứng tê bì tay chân xuất phát từ rất nhiều lý do khác nhau. Có thể chia thành 2 nhóm nguyên nhân chủ yếu là do sinh lý và bệnh lý.
+ Nguyên nhân sinh lý gây tê bì tay chân:
- Hoạt động sai tư thế, phải quỳ, ngồi khoanh chân quá lâu, mặc đồ quá bó có thể gây ra cảm giác tê ở tay hoặc chân. Tình trạng này xảy ra là vì máu không thể lưu thông bình thường;
- Tâm lý căng thẳng, mệt mỏi quá độ cũng có thể là nguyên nhân gây ra cảm giác tê tay, tê chân. Khi này, các tế bào thần kinh ở tay, chân phải bị ảnh hưởng bởi tâm lý con người, chúng rất dễ trở nên tê liệt nếu tâm trạng của họ bất ổn trong thời gian dài, dẫn tới cảm giác tê ngứa tay chân, cực kỳ khó chịu;
- Một số người có cơ thể rất nhạy cảm, không thể thích nghi nhanh với những thay đổi đột ngột của môi trường, thời tiết có thể cảm thấy tê ở chân, tay. Hiện tượng rối loạn cảm giác ở con người gây ra tê chân tay rất khó để khắc phục, cải thiện.
- Ngoài ra, tê bì chân tay có thể xảy ra ở phụ nữ mang thai hay những người phải chịu những chấn thương nghiêm trọng trước đó, dây thần kinh bị đè nén và gây ra triệu chứng tê bì.
+ Nguyên nhân bệnh lý: ngoài nguyên nhân sinh lý thì hiện tượng tê tay chân còn là một trong những tín hiệu báo một số bệnh lý cần được điều trị:
- Thoái hóa đốt sống: Tê tay và chân kéo dài là một trong những biểu hiện mà bệnh nhân bị thoái hóa đốt sống thường gặp. Ban đầu, đa số người bệnh đều nghĩ tình trạng tê bì chân tay này chỉ là do sinh lý, không quá chú tâm. Về sau khi bệnh diễn tiến nặng lên thì hiện tượng tê tay, tê chân càng nặng và ảnh hưởng đến vận động hằng ngày. Ở bệnh nhân thoái hóa đốt sống cổ, dây thần kinh, động mạch đốt sống cổ bị chèn ép, nếu không được điều trị sớm sẽ để lại nhiều hậu quả khó lường như teo chân tay, liệt tay chân.
- Bệnh tim mạch: Tê bì chân tay cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ mắc bệnh liên quan đến tim mạch. Khi tim hoạt động kém hiệu quả thì máu sẽ không thể lưu thông tốt trong cơ thể con người dẫn đến hiện tượng tê ở tay và chân kéo dài.
- Bên cạnh những bệnh lý kể trên, người có triệu chứng tê tay chân thường xuyên còn có nguy cơ cao mắc các bệnh như: rối loạn tuần hoàn ngoại vi, viêm khớp dạng thấp, viêm đa rễ thần kinh hoặc thoát vị địa đệm,...
Cách giảm tê bì tay chân hiệu quả
Dù xuất phát từ nguyên nhân sinh lý hay bệnh lý, khuyến cáo chung dành cho người bệnh là cần có chế độ sinh hoạt, tập luyện thể thao hợp lý. Thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao rất tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, khi luyện tập thể dục, máu sẽ có điều kiện lưu thông tốt hơn, giảm hiện tượng tê tay chân. Với những người có bệnh lý tim mạch vẫn cần tập thể dục để nâng cao sức khỏe nhưng cần lựa chọn bài tập luyện phù hợp với thể trạng.
Để đề phòng bị tê bì tay chân, không nên tập luyện lao động quá sức để hạn chế nguy cơ chấn thương khiến các dây thần kinh bị chèn ép.
Nên dành thời gian nghỉ ngơi và làm việc hợp lý để giữ gìn sức khỏe cũng như tinh thần thoải mái.
Một số người nhạy cảm với thời tiết thì cần đặc biệt lưu ý, theo dõi dự báo thời tiết và có sự chuẩn bị trước khi điều kiện tự nhiên thay đổi.
Nếu tình trạng tê bì tay chân kéo dài, nên đi khám để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Tổng đài bác sĩ tư vấn và theo dõi điều trị 1800 5454 35 / zalo 0916 561 338